Trong đại dịch, chúng ta liên tục tăng cường hệ miễn dịch cho thể chất nhưng không ít người bỏ quên “sức đề kháng cho tinh thần”. Theo nhiều chuyên gia, stress hay lo âu do Covid-19 gây ra cũng rất nghiêm trọng.
Stress mọi nơi, mọi đối tượng theo nhiều hình thái khác nhau
Đến nay chưa có bằng chứng khoa học khẳng định virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 trực tiếp gây ra các bệnh tâm lý – thần kinh. Nhưng dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những nguy cơ về mất việc làm, giảm lương,… khiến cuộc sống đảo lộn và ảnh hưởng tâm lý của nhiều người.
Theo GS. TS. BS. Cao Tiến Đức – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103: Covid-19 là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý con người khiến người ta dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn.
Vào tháng 5/2020, khi dịch bùng phát mạnh tại Mỹ, một nhóm nghiên cứu tại trường ĐH Chapel Hill – Bắc Carolina và trường Y khoa Harvard đã công bố kết quả khảo sát cho thấy 55% đáp viên cho rằng họ bị stress nhiều hơn so với hồi đầu năm, khi dịch bệnh chưa có nguy cơ lan nhanh như bây giờ. Còn theo một khảo sát do Hiệp hội tâm lý Mỹ (American Psychological Association – APA) công bố vào tháng 3 năm 2021, có 8 trên 10 người Mỹ được hỏi cho rằng đại dịch là nguồn cơn chủ yếu khiến họ bị stress.
Tại Thụy Sĩ, một nghiên cứu của ĐH Zurich và trường La Source của Trung tâm đào tạo điều dưỡng Lausanne, 1/3 trẻ em và trẻ vị thành niên tại nước này đang phải trải qua những vấn đề về sức khỏe tinh thần trong suốt thời gian phong tỏa vì Covid-19. Nghiên cứu cho thấy nhiều thanh niên, đặc biệt là phụ nữ, đã trải qua các triệu chứng của bệnh tâm thần trong đợt phong tỏa đầu tiên. 54% phụ nữ và 38% nam thanh niên cho biết đang đối mặt với các triệu chứng trầm cảm từ nhẹ đến nặng, trong khi với hội chứng lo lắng, tỉ lệ này là 47% ở phụ nữ trẻ và 33% ở nam giới.
Ở Anh Quốc, nghiên cứu của ĐH Oxford cho thấy các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ đang bị căng thẳng, trầm cảm và lo lắng ở nhiều mức độ khác nhau trước áp lực của việc cách ly xã hội. Theo nghiên cứu do Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội tài trợ Anh, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, mức trầm cảm, lo lắng và căng thẳng, trầm cảm của các bậc cha mẹ tại nước này tăng từ mức trung bình 9,03 lên 9,71.
Các mức này giảm trong mùa hè, khi các hạn chế về phong tỏa của Covid-19 được nới lỏng, xuống mức thấp 8,23 vào tháng 9, và tăng trở lại trong suốt học kỳ mùa thu lên đến 10,1 điểm vào tháng 12.
Tại Singapore, theo một nghiên cứu của AIA, hơn 9/10 người dân Singapore (91%) cho biết sức khỏe tâm thần của họ đã giảm sút trong năm ngoái. Sau một năm đối phó với đại dịch đang hoành hành, người dân nước này có dấu hiệu của sự căng thẳng và lo lắng gia tăng, ngay cả khi Singapore đang kiểm soát rất tốt số ca lây nhiễm.
Ở nước ta ghi nhận tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội thời gian qua, tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị gia tăng thuộc các nhóm đối tượng đến từ các vùng dịch tễ; phát bệnh tại các khu cách ly tập trung; có tiền sử bệnh tâm thần; người đi lang thang…
Trong đại dịch, ngành y tế và các bộ, ngành khác đã liên tục đưa ra những khuyến cáo khoa học, hướng dẫn phòng bệnh Covid-19 đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, đứng trước một dịch bệnh vẫn còn nhiều mới mẻ và nhiều nguy cơ tiềm ẩn như Covid-19, hơn nữa lại có tốc độ lây lan nhanh chóng thì dường như nỗi lo là thứ thường trực trong suy nghĩ của mỗi người.
Ngoài người trưởng thành và trẻ em, người già cũng là đối tượng rất dễ bị stress trong mùa dịch. Với người cao tuổi, họ vốn hay lo âu và cảm thấy cô đơn tuổi già khi ít có người tâm tình, chia sẻ, các mối quan hệ xã hội cũng thưa thớt hơn. Trong thời điểm dịch bệnh, người cao tuổi còn là đối tượng được khuyến cáo không nên ra ngoài nên còn dễ bị căng thẳng và buồn bả hơn.
“Các bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể có các biểu hiện như: mất ngủ, lo âu, stress kéo dài… Các triệu chứng có thể chưa đủ dài về thời gian, chưa đủ để chẩn đoán là mắc bệnh lý về tâm thần, nhưng nó cũng đã ảnh hưởng chức năng giao tiếp trong nghề nghiệp, cuộc sống, trong gia đình, cần được hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa tâm thần”, các chuyên gia sức khỏe lưu ý.
Một ngàn lý do nhưng cũng từ Covid
Những người tham gia khảo sát do nhóm nghiên cứu tại trường ĐH Chapel Hill – Bắc Carolina và trường Y khoa Harvard cho rằng điều khiến họ stress nhất là sức khỏe và sự an toàn của bạn bè, người thân. Các yếu tố khác do đại dịch gây ra cũng góp phần không nhỏ, như: Thất vọng về việc không thể tham gia các hoạt động bình thường (58%), Lo lắng về sự sụp đổ của xã hội có thể xảy ra do đại dịch (56%), Lo lắng về tài chính cá nhân (53%), Chán chường (53%).
Tại Anh, điều khiến các bậc phụ huynh căng thẳng nhất chính là việc chăm con, dạy con nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu công việc trong suốt thời gian giãn cách. Chị Leticea, người tham gia nghiên cứu do Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội tài trợ Anh thực hiện, cho hay: “Tôi lo lắng rằng trong ba tháng tới các bậc cha mẹ sẽ tiếp tục căng thẳng khi phải dạy thêm ở nhà. Bọn trẻ còn lo lắng hơn khi nghe tin giáo viên của chúng bị bệnh và biến thể mới thật sự đáng sợ hơn. Con gái tôi liên tục nhắc về điều này trong khi trước đó nó không hề quan tâm.”
Cathy Creswell, Giáo sư tâm lý học phát triển lâm sàng tại Đại học Oxford và đồng trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết những phát hiện trên cho thấy cha mẹ đặc biệt dễ bị căng thẳng trong đợt phong tỏa đầu tiên. “Dữ liệu của chúng tôi thể hiện rõ sự dễ tổn thương mà các bậc cha mẹ phải đối mặt khi cùng lúc đáp ứng nhu cầu của con cái, vừa dạy chúng học nhưng phải đảm bảo chất lượng công việc tại nhà.”
Tại Thụy Sĩ, Meichun Mohler-Kuo, giáo sư tại Bệnh viện Đại học Tâm thần Zurich (PUK) và La Source, cho biết cảm giác vô định trong thời gian phong tỏa đã có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của người dân nước này.
Trẻ em và thanh thiếu niên cảm thấy căng thẳng nhất trong thời gian này do phải thay đổi, trì hoãn hoặc hủy bỏ các kế hoạch, sự kiện quan trọng và không thể tham gia các hoạt động xã hội và thói quen thường nhật ở trường như trước đây.
Tại Châu Á, nhất là Singapore và Trung Quốc vốn là những quốc gia mà trẻ em có áp lực học hành nặng nề, nay càng phải gặp nhiều vấn đề tâm lý trong đại dịch. Tiến sĩ Tazeen Jafar, Giáo sư nghiên cứu hệ thống và Dịch vụ y tế tại Trường Y Duke NUS, người đã nghiên cứu tác động của Covid ở nhiều nơi trên thế giới, cho biết những thực tế do dịch Covid-19 gây ra kết hợp với những kỳ vọng trước đó về chuyện học vấn của học sinh đã thật sự tạo căng thẳng cho các em. Chúng phải luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách ở trường trong khi vẫn đảm bảo hoàn bài tập mỗi ngày và duy trì điểm số tốt.
Ở nước ta, Sài Gòn trong những ngày cách ly nghiêm ngặt, có rất nhiều người rơi vô trạng thái stress. Tất cả đều xoay quanh Covid-19 như chứng kiến số ca nhiễm tăng mỗi ngày, ngồi ở nhà nghe xe cứu thương chạy liên tục, nghe chỗ này, chỗ kia có người chết, mất việc, làm ăn thua lỗ… Đặc biệt, những đối tượng bị hoặc có người thân bị cách ly lại càng căng thẳng và lo âu hơn nữa.
Để lại di chứng tinh thần
Nhiều nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, 30% bệnh nhân mắc Covid-19 có các di chứng về tâm thần sau khi khỏi bệnh. Tại Châu Âu, một nghiên cứu của Bệnh viện San Raffaele của Italia ở Milan lần đầu tiên cho thấy những hậu quả tâm thần mà căn bệnh này có thể để lại ở những bệnh nhân đã hồi phục. Theo kết quả nghiên cứu công bố ngày 30/7/2020, 55% bệnh nhân đã nằm viện phát triển các rối loạn tâm thần sau khi xuất viện. Để đưa ra kết luận này, các nhà khoa học đã theo dõi 402 bệnh nhân đã từng mắc Covid-19 được điều trị hoặc chẩn đoán tại bệnh viện (265 nam và 137 nữ). Họ tiến hành phỏng vấn và yêu cầu bệnh nhân hoàn thành bảng câu hỏi tự đánh giá. Sau đó, các nhà nghiên cứu xem xét các triệu chứng tâm thần ở những người được nghiên cứu. Họ phát hiện ra rằng 28% bệnh nhân hồi phục bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương, 31% trầm cảm, 42% lo âu, 20% rối loạn ám ảnh cưỡng chế và 40% bị mất ngủ.
Viện Y khoa Quốc gia Pháp (ANM) cũng đã liệt kê những hậu quả tiềm ẩn của Covid-19 như rối loạn hô hấp, tim, thận, não và các rối loạn ít đặc hiệu khác như tình trạng khó chịu chung hoặc đau cơ và khớp… và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Theo ANM, tác động tâm lý của đại dịch COVID- 19 là không thể xem nhẹ và ở một số người, cần phải theo dõi và hỗ trợ tâm lý.
Theo GS, TS Cao Tiến Đức, chủ nhiệm Bộ môn tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, một số trường hợp mắc bệnh lý tâm thần có thể tự khỏi nhưng hầu hết tiến triển thành mạn tính dẫn tới chất lượng cuộc sống giảm sút, mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, không làm được việc, ảnh hưởng mối quan hệ trong gia đình… Khi ở tình trạng nguy hại nhất, bệnh nhân không chỉ có ý nghĩ tiêu cực tự làm hại bản thân là tự sát mà còn có hành vi giết cả người thân hoặc người mình thù ghét rồi tự tử.
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Các bác sĩ cho biết, việc điều trị cho bệnh nhân rối loạn tâm thần đã phức tạp thì hiện nay liên quan đến Covid-19, công tác điều trị còn khó khăn hơn rất nhiều. Người bệnh rất khó tuân thủ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh, tránh giao tiếp giữa các bệnh nhân với nhau để tránh lây nhiễm.
ThS, BS Nguyễn Viết Chung, khoa Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện E cảnh báo, Covid-19 ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần của tất cả mọi người, vì vậy khi có một vài biểu hiện nên đi khám. Thí dụ như rơi vào tình trạng khó ngủ, ngủ không tốt, dễ gặp ác mộng, ngủ hay tỉnh dậy giữa đêm, ngủ dậy vẫn thấy mệt mỏi…
Trạng thái hay gặp nhất đó là mệt mỏi mãn tính, cơ thể không có năng lượng, không có động lực làm việc, không có năng lượng làm gì. Có người có thể thay đổi cảm xúc, dễ cáu gắt, nóng giận hơn trước đây, không kiểm soát được cảm xúc của mình. Ngoài ra, có người có trạng thái hay gặp lo lắng, suy nghĩ quá nhiều, mất tập trung.
Trong thời gian dịch bệnh, bác sĩ Chung đã tiếp nhận nhiều trường hợp, trong đó biểu hiện bệnh khá nghiêm trọng. Điển hình là một du học sinh mắc trầm cảm khá nặng. Trong thời gian học ở châu Âu, do lo ngại dịch bùng phát manh, bệnh nhân đã rất lo lắng sợ mắc bệnh và mong muốn được về nước. Trước sự hoảng loạn của bệnh nhân, gia đình đã tìm mọi cách để đưa em về.
Tuy nhiên khi về nước, tình trạng của bệnh nhân liên tục rơi vào triệu chứng như: mất ngủ, lo âu, buồn chán và suy nghĩ có lỗi với gia đình, mặc cảm, bi quan về tương lai. Sau đó, bệnh nhân đã đi khám. Sau ba tháng điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã tốt hơn.
Một trường hợp khác là một lãnh đạo ở chi nhánh ngân hàng. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, nhiều bộ phận làm việc online. Bệnh nhân thường xuyên lo nghĩ về hiệu quả làm việc của nhân viên, về nguy cơ bị nhiễm bệnh. Sự lo nghĩ này khiến bệnh nhân luôn luôn dò xét mọi người chung quanh. Tất cả những điều này khiến cho bệnh nhân gặp phải rất nhiều cơn tăng huyết áp như: đỏ bừng mặt, tim đập nhanh, run, chóng mặt…
Bệnh nhân có những triệu chứng: lo lắng, mất ngủ, xuất hiện những cơn rối loạn chức năng thần kinh thực vật (tăng huyết áp, tim đập nhanh, chóng mặt). Bệnh nhân từng khám tim mạch, uống thuốc huyết áp nhưng không đỡ. Tại khoa Sức khỏe tâm thần, BS Chung nhận định bệnh nhân mắc rối loạn thích ứng với phản ứng lo âu. Sau thời gian điều trị, tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện.
Nên làm gì để tránh căng thẳng trong thời gian dài cách ly?
Để đối phó với tình hình dịch còn diễn biến dài, nếu không tự tìm cách thích nghi, sẽ có nguy cơ rơi vào trạng thái trầm cảm, mắc bệnh lý tâm thần. Vì thế, BS Chung cho rằng, nếu công việc của bạn phải làm việc tại nhà thì cần thu xếp những khoảng thời gian để nghỉ ngơi, cần có thời gian biểu mỗi ngày và thực hiện đúng như vậy. Cần có phòng làm việc đủ yên tĩnh để hoàn thành công việc. Chỉ làm đủ thời gian như ở cơ quan.
Ăn uống lành mạnh, tập thể dục mỗi ngày và cũng cần có sự kết nối với các thành viên khác trong gia đình, bạn bè. Tránh tình trạng 24/7 đọc các tin tức mới trên mạng xã hội sẽ khiến cho bạn mất thời gian và không tập chung vào công việc của mình. Nếu có điều kiện, chúng ta nên bổ sung dinh dưỡng và sức đề kháng bằng các loại thực phẩm hỗ trợ khác.
Đông trùng hạ thảo giúp giảm căng thẳng, lo âu và tăng cường hệ miễn dịch
Còn theo TS Ngô Xuân Điệp – chuyên gia tâm lý, trưởng khoa tâm lý Trường đại học KHXH&NV TP.HCM, nếu mọi người có suy nghĩ tích cực trong những ngày này thì có thể sự việc sẽ khác đi.
TS Xuân Điệp cho rằng đây là những ngày chúng ta sẽ có những sự trải nghiệm tuyệt vời mà không phải ai cũng có được. Khoảng thời gian này đã giúp chúng ta sống chậm lại, hướng về bên trong nhiều hơn thay vì hướng ra bên ngoài như trước kia. Tự bản thân mỗi người sẽ tự nghiền ngẫm để trưởng thành nhiều hơn.
Cuộc sống như trước đây hướng ra bên ngoài nhiều quá sẽ quên mất bản thân mình hoặc cùng lắm chỉ chăm sóc vẻ bề ngoài để được người khác khen. Khi ở nhà nhiều mình sẽ quan tâm đến những cái bên trong thuộc yếu tố nội tâm, các giá trị tinh thần, sự trải nghiệm.
Thời gian này nên tận dụng để có những trải nghiệm để bản thân phát triển theo những chiều hướng tốt, soi rọi lại cuộc sống của chính mình, giá trị của bản thân, giá trị của gia đình. Đơn giản hơn, trong thời gian ở nhà, chúng ta có thể tìm xem những bộ phim hay, đọc những cuốn sách ý nghĩa và nghe những bản nhạc mình yêu thích để thấy phấn chấn, tươi vui hơn. Bên cạnh đó cũng nên nói chuyện, chia sẻ với những người thân trong gia đình và bạn bè để càng hiểu và yêu thương nhau hơn.
Còn nếu một người khủng hoảng quá, không chịu nổi những khó khăn này thì nên tìm đến các dịch vụ tư vấn tâm lý online miễn phí hoặc các phòng tư vấn tâm lý online để được hỗ trợ tâm lý.
Một vài gợi ý của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về cách “Vượt qua căng thẳng trong mùa dịch Covid-19”
Cách phòng chống rối loạn lo âu trong mùa dịch
Cách phòng chống rối loạn lo âu trong mùa dịch cho trẻ em
Nguồn tham khảo: